(11/22/2011)
Tấm lòng của anh đối với các em thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ . Mong những dự án của anh sẽ tiếp tục là ngọn lửa tương lai của các em .Xin ghé blog anh để hiểu thêm ...
chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài đăng lại của Trần Đăng Tuấn .Hình ảnh đầy đủ ở đây
Lên Y Tý
Đường từ Dền Thàng lên Y Tý rất đẹp. Đầu tiên là không gian bao la, xa tận cuối tầm mắt những thác nước bạc như không chảy. Rồi xuyên qua rừng nguyên sinh may mắn còn giữđược. Nhiều đoạn như thể đang chạy xe trong rừng Cúc Phương.
Ra khỏi rừng già, lát đã thấy Y Tý lấp loáng trong nắng pha sương hiện ra trên sườn núi thoai thoải. Dền Thàng e lệ nấp sau lưng núi khuất, còn Y Tý đẹp hồn nhiên, mạnh mẽ, chẳng e dè trước mắt kẻ từ ngoài kia ngó sang.
Trường Mầm Non Y Tý là dãy nhà gạch nhìn xuống cái thung sâu thăm thẳm, sườn bên này là đất mình, phía bên kia thung là nước khác. Trẻ con chơi trên sân trong tầm nhìn từ hai bên biên giới. Nhưng xa trong các bản còn đến trên chục điểm trường. Có 250 cháu, trong đó 133 đứa 5 tuổi. Các cô giáo ở đây thật năng động. Vừa nghe rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng cho mỗi bé 5 tuổi, chưa thấy tiền về, đã ứng luôn tiền để nấu cơm cho các cháu. Còn 117 đứa bé hơn, 3 và 4 tuổi, thì đi học với cập lồng cơm. Nói cập lồng cho oai, chứ đúng ra là cơm trong túi nilon. Mà túi nilon ở thành phố mới nhiều, chứ ở bản bố mẹ chúng mua bán gì đâu mà có lắm. Cho nên gọi thế cũng là tiện mồm thôi, chứ thường thì phần cơm của chúng được gói trong lá . Thức ăn chẳng có gì. Các cô giáo kể : Đến bữa thì cơm cập lồng, cơm nấu đều đổ chung vào, rồi tất cả các cháu cùng ăn. Đứa có tiêu chuẩn 120 ngàn chia thức ăn cho bọn không có. Đã ít rồi, chia ra chẳng thấm tháp gì. Mấy anh em hội ý, quyết định : Tiền hỗ trợ của nhà nước cho trẻ 5 tuổi dẫu đến muộn nhưng chắc chắn sẽ có ngày một ngày hai thôi. Nên hỗ trợ cho 117 cháu nhỏ còn lại, mỗi đứa mỗi tháng cũng 120 ngàn đồng. Vậy đứa “có tiêu chuẩn nhà nước”, đứa lại có “tiêu chuẩn” của những người đóng góp cho chương trình “ Cơm có thịt”, mức thì như nhau. Cũng là mô hình hay đấy chứ. Giá như có thể nhân rộng ra khắp các trường mầm non ở vùng cao khó khăn. Nếu mọi người vẫn nhiệt tâm giúp các cháu, gửi tiền đến, thì sau Y Tý, chúng ta lại đến được với các cháu mầm non 3,4 tuổi ở nhiều trường khác. Nhiều bữa cơm chung cho chúng nó. Mong lắm điều này….
Có nhiều bạn ủng hộ mà vẫn ái ngại : Liệu có thấm tháp gì ?… Thấm lắm chứ !. Bạn ủng hộ 120 ngàn, là một đứa bé con trên đây được ăn cơm có thịt cá ởtrường trong một tháng. Nếu ai ủng hộ 1,1 triệu đồng, là đã gắp thịt, cá cho một bé trong một năm học. Ai có thể thì ủng hộ nhiều hơn, sẽ giúp lớp học ăn cơm có thịt cả năm….Khi bạn gửi tiền đến, bạn hãy cứ từ đó mà nhẩm ra giúp cho các bé được bao nhiêu. Không bao giờ là ít đâu. Nếu tình cờ có ai đó sẻ cho con bạn ngụm nước khi con bạn khát, mà bạn chưa đến kịp, thì điều đó chẳng bao giờ là ít. Hãy mường tượng điều đó, bạn sẽ rất ấm lòng.
Ngay gần chỗ các cháu Mầm Non học là một dãy nhà tường phên nứa. Đó là nơi các cô giáo ở. Để gió đỡ lùa, các cô bọc bên trong tường bằng bao sợi dứa.
Các cô còn rất trẻ. Cứ cuối tuần lại vượt 80 km về Lào Cai hay huyện lỵ Bát Xát để gặp người thân, người quen, cho thỏa nỗi nhớ cảnh thành thị sầm uất, rồi lại lên Y Tý sống trong các căn nhà nứa này. Đường từ Y Tý về Bát Xát có nhiều đoạn đến con trai đi cũng còn vất vả. Tuần tiếp tuần, tuổi xuân của họ đi qua.…
Có một điều, biết rồi thì rất băn khoăn. Giáo viên lên miền núi được hưởng trợcấp ưu đãi trong ba năm (với nữ) và năm năm ( với nam). Ý là sau thời hạnấy, các thày cô có thể được ưu tiên sắp xếp công việc dưới xuôi. Nhưng có mấy ai sau đó tìm được chỗ nhận về dưới đồng bằng hay trung tâm huyện,tỉnh đâu…Đa số ở lại sau thời hạn ấy. Nhưng đến hết năm năm thì chế độ ưu đãi “ Thu hút” lên miền núi kia cũng hết. Hóa ra ưu đãi để ” thu hút”, còn gắn bó lâu dài thì lại chẳng còn ưu đãi nữa. Mình hiểu lên miền núi công tác có cán bộở nhiều ngành nghề. Ưu tiên cho giáo viên, nhưng còn cán bộ khác nữa, chẳng lẽ giải quyết cho giáo viên, mà lại không cho các đối tượng khác thành ra khấp khểnh về đãi ngộ. Đúng là vậy. Nhưng ai “ tị nạnh” với giáo viên ?. Trước khi vào Trường Mầm Non, bọn mình ngồi trong đồn biên phòng Y Tý trò chuyện. Anh Đồn phó không nói về chuyện gian lao của lính biên phòng, mà cứ xuýt xoa ái ngại cho các cô giáo ở đây. Lính như vậy, thì có ai “ ghen” với giáo viên ?.
Trò chuyện với các thày cô, biết nhiều người không nghĩ chuyện về xuôi nữa, là vì đã quá gắn bó với cảnh, với người trên đây rồi.Vùng cao rất đẹp, không gian trong lành khiến ta muốn hít thở nhiều hơn cho bõ sau bụi bặm thị thành. Và yên bình tỏa ra từ mỗi gương mặt, nụ cười. Cứ nghĩ mà xem, giản đơn thôi mà cũng dễ gì có được những điều này.
Kể cả khi bạn chưa có duyên nợ gì với vùng cao, thì khi bạn lên đây, đón bạn vẫn là trời đất, hoa lá, rừng thác nguyên khôi ấy. Đón bạn vẫn là những nụ cười chân thật ấy. Nhưng tự chúng ta đâu muốn giống như những khách du lịch nước ngoài đi thưởng ngoạn vùng đất lạ. Khi bạn gửi một chút tiền mua thức ăn cho cháu nhỏ vùng cao, chắc chắn bố mẹcháu, dù chưa biết bạn là ai, sẽ thấy ấm áp trong lòng. Nhưng có thể chính bạn còn vui hơn. Và bất cứ việc làm nào khác cho vùng cao cũng đều đưa lại niềm vui ấy. Bạn sẽ cảm nhận, dù đã lên nhiều hay chưa lên vùng cao, rằng với đất với người trên đó, bạn không là người lạ. Và mỗi lần bạn lên hay nghĩ về vùng cao, là đến, là nhớ về nơi thân quen dây vướng nghĩa tình…
Cuối thu 2011- TĐT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét