12/28/2011

Đại Dương và những nồng nàn

(11/28/2011)


Là một MC âm nhạc nhưng anh lại sở hữu một giọng ca nồng nàn , nồng nàn rất thật . Cảm xúc của tác giả được anh trọn vẹn thể hiện vào từng ngóc ngách giai điệu . Nghe anh , cho ta một cái nhìn mới , một góc cảm thụ mới về tác phẩm mà ta đã từng bất chợt nghe, bỗng nghe , hay đã từng nghe ...Ngoài ra , kiến thức âm nhạc cộng với  tình yêu nghệ thuật giao hòa trong anh để cho chúng ta có thể lắng lòng lại bên những góc khuất cuộc đời ...
Ghé vào Blog của anh tại đây....hoặc thử uống chút mùa xuân tinh tế của Từ Công Phụng qua hơi thở đam mê của Đại Dương tại đây...

Sep 2, 2011

Từ Công Phụng, tiệm sách yên tĩnh khu uptown Portland, chiếc khăn choàng cổ tím và lệ rơi…

 - Đào Đại Dương -
Dưới tán lá trong khuôn viên con đường nhỏ chẳng nhớ tên của khu uptown của thành phố Portland, chúng tôi cảm nhận hương Thu quanh quẩn…
Dưới tán lá ấy, một tiệm sách cũ yên tĩnh từ ngoài vào trong, bày biện những kệ sách giảm giá – quyến rũ khách bộ hành yêu đọc sách…
Dưới tán lá ấy, chúng tôi đã cùng nhau thắp vệt sáng của cảm xúc cho một chương trình âm nhạc sắp ra đời ngày mai, mà chúng tôi mong đợi gần tháng qua…
Dưới tán lá ấy, chúng tôi đã đọc cho nhau nghe những đoản văn hay, những câu hát chạm trĩu lòng, những đoạn điệp khúc này, phiên khúc nọ xọ vào nhau của Từ Công Phụng…từ Kiếp Dã Tràng, Mắt Lệ Cho Người, Mùa Thu Mây Ngàn cho đến Tuổi Xa Người, Trên Ngọn Tình Sầu…
Con đường im ắng ấy, cũng dưới tán lá ấy, dòng suối nhạc Từ Công Phụng miên man chảy nhẹ vào lòng 5 chúng tôi bất luận rằng có những ánh mắt nhìn lạ lẫm từ khách đi bộ dọc đường hay ngồi bên hiên quán café gần đấy…

Chúng tôi đan xen cảm xúc của nhau vào không gian sống của Từ Công Phụng – thành phố mà Ông đã nuôi dưỡng dòng nhạc mang tên Ông thêm gần 30 năm qua, cộng với cái 20 năm tại quê nhà…
Cuốn sách nhạc “Giữ Đời Cho Nhau” nằm gọn im bên chiếc bàn với 5 cốc nước chưa hề đụng tới…
Chiều qua, khi gặp chú Từ Công Phụng và chú Linh Vũ để trao đổi những chi tiết cần thiết từ phía ban tổ chức và hai người dẫn chương trình – Uyển Diễm và tôi – dường như có điều gì không yên ắng trong ấy!? Đúng rồi, làm sao mà vuông tròn, vừa khít được khi đây là lần đầu tiên gặp gỡ. Ai cũng lo lắng và có cái nhìn khá riêng về những gì sẽ xảy ra ngày mai. Chú Linh Vũ cứ làm mọi việc nghiêm trọng hơn, hạn hẹp hơn khi đưa ra những tôn chỉ cứng cáp, gây lăn tăn trong đôi tâm hồn chúng tôi! Chỉ riêng mỗi nhạc sĩ Từ Công Phụng là nhẹ nhàng nhất. Mái tóc đầy, ánh mắt như mãi cười thân thiện và đôi lời ý tứ của chú Từ Công Phụng đã giúp cân bằng cuộc trao đổi, gặp gỡ ấy. Sự quấn quyện như tăng dần và đoạn kết thì ngọt ngào nhất khi có sự xuất hiện của nhạc sĩ Đăng Khánh, nhạc sĩ Nguyên Bích và hai phu nhân. Lo toan như thể tan biến, chất “Từ Công Phụng” lan tỏa bắt đầu từ phút ấy…
Chúng tôi nhận vai trò dẫn chương trình “Từ Công Phụng: 50 Năm Tình Ca – Một Lần Nhìn Lại” là do sự nhượng lại từ cô Bích Huyền. Cô độ lượng trao công việc khá quan trọng cho thế hệ sau Cô vì trước nhất là Cô muốn tạo cơ hội cho các bạn trẻ làm việc với những người đi trước. Kế tiếp và quan trọng hơn cả là: 50 năm cho một dòng nhạc, hôm nay chúng ta nhìn lại là để hướng về phía trước! Phía trước là của giới trẻ, thuộc thế hệ con – cháu! Vậy tại sao không giao phó công việc đối thoại xuyên suốt chương trình này cho giới trẻ!?- Bích Huyền luôn là thế đấy! Sau cái êm ái và nhẹ nhàng của giọng nói Bích Huyền, là những bài học tiềm tàng, nhân văn tính mà Cô thường hay tế nhị dạy bảo chúng tôi – những đứa con, đứa cháu trong đời sống sinh hoạt văn hóa, truyền thông, nghệ thuật của Cô. Và vì thế, Uyển Diễm và Tôi, được rót vào lòng rằng: Công việc gìn giữ bất cứ thể loại văn hóa nào – là trách nhiệm của chúng tôi, của những con người cùng thế hệ. Từ đó, ban tổ chức đã liên lạc và trân trọng đặt để chúng tôi vào vị trí MC’s của chương trình.
Sáng Chủ Nhật ngày 28 tháng 8, 2011…
Những tâm hồn mà chúng tôi quý trọng đã đang ngồi cùng nhau qua duyên cớ Từ Công Phụng. Này nhé, nhạc sĩ Đăng Khánh – Phương Hoa, nhạc sĩ Nguyên Bích cùng phu nhân, cô Bích Huyền, thi sĩ Du Tử Lê cùng phu nhân.Tất cả râm ran trò chuyện nhưng lòng cứ hướng về buổi nhạc chiều nay.Nhóm bạn chúng tôi gồm Uyển Diễm, Thủy Tiên, Tạ Hùng Cường, Phương Anh muốn đến với con phố SE 82nd nơi có khu thương xá Fubonn đang còn ngái ngủ, quán phở Văn khá “văn” trong cách bày biện, với đường Sandy đầy gió bụi…Vẫy chào chúng tôi vẫn là cô Bích Huyền, với nụ cười nhẹ, trên vai Côchoàng một chiếc khăn màu tím. Niềm tin còn nằm trong màu tím, bỗng dưng sáng nay, chúng tôi cảm giác vậy. Chiếc khăn quàng cổ mềm mỏng như lay động một tín hiệu vui, dung dị…

Khán thính giả yêu thương dòng nhạc Từ Công Phụng không chỉ nằm ở số người tham dự mà còn nằm ở cung cách họ đến tham dự. Khi đến với một buổi nhạc, người ta đến với một nét văn hóa và yếu tố đó có tính cách hỗ tương giữa khán thính giả và những tâm hồn đứng trên sân khấu. Khá ngạc nhiên, hơn 600 khán thính giả hôm nay khá đa dạng về tuổi tác – nhiều em còn rất trẻ mà ngồi nghiêm túc, trịnh trọng để nghe nhạc; nhiều cụ lớn tuổi bạc mái đầu vẫn dõi mắt xa xăm như hoài niệm chút gì mà 50 năm qua ít nhiều dòng nhạc Từ Công Phụng đã nuôi nấng góc đời bồng bệnh họ trôi cùng, họ đã lãng mạn cho đời bớt nhạt cùng với những ca từ quen thuộc, những âm ba định mệnh…
Một chốn rất riêng của Portland chiều ấy đã dành cho Từ Công Phụng – chiều nhạc của những tình khúc mang giá trị nghệ thuật ở sự tồn tại suốt nửa thế kỷ qua, trong niềm yêu, trong sự suy tôn của công chúng. Tất cả đến để cùng Từ Công Phụng ôn lại một phần đời đẹp đẽ hay để trông vào tương lai có được một phần đời đẹp đẽ với những tiếng hát đẹp hải ngoại, với những vị văn-thi sĩ, nhạc sĩ khách mời…
Niềm vui có! Sự đông đảo có! Thiêng liêng tính có! Tinh thần và sức khỏe cũng có! Tất cả như sẵn sàng cho một buổi nhạc thành công, hun đúc niềm vui lớn mang tính ghi nhận cho chính Từ Công Phung. Khán thính giả và tác giả chính là những tô điểm đẹp của toàn chương trình! Bởi lẽ, sân khấu ban tổ chức trang trí rườm rà cứ như một bữa tiệc cưới. Thiết nghĩ, nhạc Từ Công Phụng làm gì có những diêm dúa như sân khấu chiều nay? Âm thanh suốt một phần ba chương trình khá tệ, kêu hú cứ như đang…thử âm thanh. May thay, sau đó, được chỉnh đốn, mọi người yên tâm hơn để được nghe hết những bình yên trong nhạc Từ Công Phụng, dù là những bài hát buồn.
Phần đầu chương trình có khá nhiều trục trặc. Này nhé, chú Linh Vũ loay hoay muốn làm nổi và bật một dòng nhạc đầy “lắng” và “chạm” nên khai mở chương trình rất chênh, rất lệch. Người tham dự cứ tưởng như đang trong không gian một hội chợ, một phường chèo! Linh Vũ lúng túng với phần dẫn Quốc Kỳ Hoa Kỳ đến dăm bảy phút vì trục trặc slide show và âm thanh. Thậm chí đến phần giới thiệu khách mời là nhà thơ Du Tử Lê và Bích Huyền, đều có những trục trặc rất căn bản – đại loại như tên tuổi của khách mời, những chi tiết gắn liền với họ thì chú Linh Vũ lại quên bẵng đi. May thay, khi Du Tử Lê xuất hiện, khi Bích Huyền xuất hiện, họ đơn giản nhưng cố đọng sẻ chia và đưa mọi người trở lại với cái mà mọi người đến bởi vì…
Không gian “Từ Công Phụng – 50 Năm Tình Ca: Một Lần Nhìn Lại”mới thật sự thăng hoa từ giây phút này.
Tuy vậy, phần trình bày của các ca sĩ và ban nhạc Phượng Hoàng không đồng đều lắm! Một số bài trình bày bởi các ca sĩ địa phương nghe tệ hơn nhạc karaoke. Ngọc Hoa, Đăng Tú, Hoàng An dường như không thích hợp lắm với dòng nhạc Từ Công Phụng thì phai? Ghi nhận cái sáng của cảm xúc Hồng Hạnh, của Trần Thu Hà, của Anh Tuấn và của Y Phương. Y Phương, vì lý do sức khỏe, đã trình bày 4 trong 5 nhạc phẩm khá lờ đờ. Với “Mắt Lệ Cho Người,” cô lại hát sai và đổi lời hơn 10 chỗ nhưng vẫn được những tràng vỗ tay độ lượng từ khán thính giả. Trần Thu Hà xuất sắc, góc cạnh với đầy ắp niềm tin trong âm nhạc Từ Công Phụng! Anh Tuấn lịch lãm, cứng cỏi nhưng đầy tình cảm trong phần trình diễn của mình. Anh Tuấn trân trọng buổi nhạc này thấy rõ, rất rõ, qua việc rất đúng giờ và nghiêm túc của anh trong suốt hành trình. Anh Tuấn, lại là người đáng khen nhất!
Từ Công Phụng vẫn là giọng hát mà mọi người im bặt để nghe tất cả. Đó chính là sự trân trọng mà những người thừa hưởng dòng nhạc Ông, vô điều kiện muốn đem đến cho Ông. Từ Công Phụng khỏe khoắn; Từ Công Phụng rất tình tự và gần gũi; Từ Công Phụng hát Như Chiếc Que Diêm, Xứ Thâm Trầm, Mưa Trên Ngày Tháng Đó, Bên Dòng Đời Tịch Liêu, Ơn Em và Mãi Mãi Bên Em…Đâu đó phía khán thính giả, lệ của họ có rơi, rơi rất đẹp, rơi rất nhẹ và như muốn xóa đi những trục trặc, sự cố một chương trình phải là quy mô (trong suy nghĩ) không nên mắc phải. Từ Công Phụng đã làm nên một thông điệp nhẹ nhàng, cảm thông và gần gũi ngay trong đêm nhạc của chính Ông, bằng dòng nhạc của…chính Ông.
Âm nhạc Từ Công Phụng không phải chỉ ở lúc âm thanh, ca từ vang lên – mà là khoảng lặng, chùng xuống khi mọi thứ tắt. Bạn thử xem, này nhé, hãy nhắm mắt lại và chỉ nghĩ về Kiếp Dã Tràng thôi, có phải trong tâm trí bạn, hương nào đó, sắc nào đó, âm ba nào đó đang chạy ngang qua, đúng không? Âm, hương, sắc đó bảo bạn rằng, đó là: “Chiều vàng vương gót mỏi Ta dừng chân phiêu du…” Và theo tôi – đó mới là khoảng lặng cần thiết, một giá trị cộng mà âm nhạc Từ Công Phụng tạo ra..
À, mà chúng tôi cũng đang phiêu du tại Portland đấy chứ! Giờ đây, Portland sẽ lại là “lối cũ chẳng sao quên” của chúng ta – nơi có dòng suối đời Từ Công Phụng, có tiệm sách cũ kỹ mà yên tĩnh khu uptown, nơi có niềm tin lan tỏa từ chiếc khăn choàng cổ tím của cô Bích Huyền – và nơi có nhiều lệ rơi trong buổi chiều nhạc mà nửa thế kỷ qua, kiếp sống người Việt khắp nơi sống bởi và sống tìm…
Chúng Tôi muốn về lại Portland thêm một lần nữa, như được gần thêm với hơi thở Từ Công Phụng một lần nữa – à, mà vạn lần cũng chẳng đủ. Chẳng bao giờ đủ…

Đào Đại Dương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét